Chiều 11/9, Bộ GD-ĐT đã trả lời thắc mắc xung quanh chuyện đính chính SGK.
Ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học cho biết: danh mục các điểm cần chỉnh sửa là các lỗi sai, mà lỗi này rất ít; chủ yếu là lỗi diễn đạt lại và cần phải cập nhật thông tin khoa học phù hợp với thực tế (như sửa 9 hành tinh thành 8 hành tinh, thay đổi tên một số địa danh thị xã thành thành phố, một số số liệu về kinh tế - xã hội) và lỗi ấn loát (chấm, phẩy, hai chấm, in đậm, nhạt, nghiêng). Trong những lỗi trên, lỗi về diễn đạt lại cho phù hợp, dễ hiểu chiếm đa phần.
Do đó, ông Tần cho rằng không nên dùng từ đính chính, vì chỉ khi sai mới đính chính, nên dùng là "chỉnh sửa".
Lúc đầu dự kiến dùng 3 cuốn cho 3 cấp học, nhưng từ "cuốn" dù rất mỏng, đã thu hút sự chú ý của người học và dư luận, ông Tần giải thích, vì vậy, quyết định cuối cùng là in thành tờ rời.
Quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT là: sai thì phải sửa, nhưng lỗi diễn thật cần thiết thì sửa và sau này tái bản sẽ chỉnh sửa tiếp. Riêng sách lớp 12 vừa học, chưa có thông tin từ người dạy, người học thì cứ để tiếp tục và nếu sai sẽ sửa sau.
Dung lượng chỉnh sửa SGK: Tiểu học: 15 chỗ cần chỉnh sửa cho 5 lớp. Trong đó có một số lỗi, ở cuốn Lịch sử và Địa lý lớp 4 sửa tường thuật thành kể lại; sách Kỹ thuật lớp 4: sửa khâu đột thành khâu đột thưa. THCS: sửa 47 chỗ trong hơn 90 tên sách của toàn cấp, trong đó lớp 6 và lớp 7, mỗi lớp sửa 10 chỗ, lớp 8 sửa 16 chỗ và lớp 9 sửa 11 chỗ. Riêng sách Lịch sử lớp 7 sửa đúng một chữ từ cổ súy thành cổ xúy. THPT: lớp 10 có 20 tên sách sửa 35 chỗ và lớp 11 sửa 32 chỗ. |
Ông Nguyễn Minh Khang, Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục cho biết, đã in 111 nghìn tờ, trong đó tiểu học 56 nghìn tờ, THCS 34 nghìn tờ và THPT 21 nghìn tờ. Số tờ này được in theo số lượng đăng ký của 63 Sở GD-ĐT và cung cấp miễn phí xuống giáo viên bộ môn và giáo viên có trách nhiệm hướng dẫn HS chỉnh sửa.
Trả lời câu hỏi, việc sai sót này quy trách nhiệm cho ai, ông Tần trả lời: "sẽ xem lỗi nào là của tác giả, lỗi nào do thẩm định, do khâu trung gian... để rút kinh nghiệm cho lần sau".
Hơn nữa, lý giải về việc muộn chỉnh sửa, ông Tần cho biết: "chúng tôi có xem qua, trong phần học của tháng đầu tiên (tháng 9) có rất ít chi tiết liên quan đến chỉnh sửa cho nên không lo ngại về việc không đáp ứng kịp thời để ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy".
TIN LIÊN QUAN |
---|
Kết luận về vấn đề chỉnh sửa SGK, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long nói, có đính chính kèm theo SGK theo quốc tế là vấn đề hết sức bình thường. Năm sau, đề nghị NXB cố gắng tổng hợp chỉnh sửa và phát hành luôn cùng SGK.
-
Bảo Anh