Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT phối hợp với các Bộ, ngành tổng hợp kết quả thực hiện thời gian qua, báo cáo Chính phủ tại phiên họp tháng 4/2009, làm rõ kế hoạch triển khai thời gian tới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại một hội thảo đào tạo theo nhu cầu DN
Để triển khai hiệu quả, các Bộ, ngành địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai và hoàn thành các nhiệm vụ sau: thành lập Ban Chỉ đạo về công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội của ngành và địa phương; Xây dựng chương trình phát triển nhân lực ngành, địa phương trong giai đoạn từ nay đến 2015 và định hướng đến năm 2020 để công bố vào tháng 9/2009.
Trong chương trình, cần tập trung xác định rõ các nhu cầu về số lượng, chất lượng, trình độ, kỹ năng và nguồn nhân lực. Chú ý chọn ra những ngành chủ lực cần đầu tư…
Đồng thời, nghiên cứu đề xuất cụ thể các cơ chế chính sách cần bổ sung, sửa đổi tập trung các nội dung: dự báo nhu cầu, hợp tác và hợp đồng đào tao với các tập đoàn kinh tế…Việc thành lập, nâng cấp các hệ thống cơ sở đào tạo cần phải gắn với việc xác định các nhu cầu về nhân lực của xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp (DN) đầu tư, phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai hoạt động đào tạo nhân lực bằng nguồn vốn của DN.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, nguồn lực tài chính cho công tác đào tạo theo nhu cầu xã hội gồm ngân sách nhà nước, tham gia đóng góp, hỗ trợ từ các DN, người học và các nguồn hợp pháp khác.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) Hoàng Ngọc Vinh cho biết, đến nay đã có gần 600 hợp đồng đào tạo theo nhu cầu được ký kết giữa trường và các DN.
- Kiều Oanh